NHÌN NHẬN KHUYẾT ĐIỂM CỦA BẢN THÂN
Sau khi nhìn thấy những ưu điểm của mình, chúng ta cần tiếp tục nhìn nhận khuyết điểm.
Lão Tử từng nói: “Tri nhân giả trí, tự tri giả minh; thắng nhân giả lực, tự thắng giả cường”, từ đó có thể thấy, người hiểu chính xác về bản thân mình vẫn chưa đủ, mà còn phải hiểu chính xác về khuyết điểm của mình, làm được điều này không chỉ có trí tuệ mà còn cần có lòng dũng cảm.
Nhiều người cả đời bướng bỉnh cố chấp, dù thế nào vẫn khăng khăng cho rằng mình đúng, tính cách này không thể mang lại bất kì điều gì tốt đẹp, kẻ đáng thương nhất là không biết mình sai, không thừa nhận khuyết điểm của bản thân.
Nếu một người hiểu được khuyết điểm của bản thân, và biết tiếp thu những ý kiến phê bình của người khác, sẽ không bao giờ ngạo mạn, tự đánh giá mình quá cao.
Hiểu rõ khuyết điểm của bản thân là phương pháp cơ bản để giúp mỗi người tiến bộ. Đặc biệt mỗi người ở nơi làm việc nên “mỗi ngày ba lần tự xét lại mình”, hằng ngày nên nghĩ mình có làm điều gì sai sót không? Tính cách của mình như vậy có vấn đề gì không? Cách xử lý của mình với công việc có để lại hậu quả gì không? Đừng cho rằng như vậy là mệt mỏi, hằng ngày bạn chỉ cần bỏ ra vài phút để suy nghĩ về những điều này nhưng lại có thể phát hiện ra những sai sót của mình trong công việc. “con đê dài ngàn dặm cũng bị phá hủy bởi tổ kiến”, biện pháp này tuy không có gì to tát nhưng có thể phòng tránh những việc gây tổn thất lớn.
Trước những lời tán thưởng hay phê bình của cấp trên và đồng nghiệp, đầu tiên chúng ta cần xem xét lại mình, qua đó không ngừng nhắc nhở bản thân phải nâng cao khả năng phán đoán. Nhìn thẳng vào ưu điểm cũng như hiểu rõ bản thân, sau đó tiếp tục hoàn thiện chính mình, mới có thể nâng cao hiệu quả công việc và nâng cao giá trị bản thân.
Tải sơ đồ các bước nhìn nhận bản thân