NỖI NHỚ MÙA VU LAN 2022
Mùa lá vàng rụng đầy sân, mưa rơi rả rích vùi lấp nắng mai. Nỗi buồn nhớ cha mẹ tràn về nghe đến nghẹt thở. Người ta nói: mẹ là đất, cha là trời. Mẹ nuôi nấng yêu thương và cha là người dạy dỗ, dẫn đường cho con tung hoành biển lớn. Công ơn cha mẹ chưa được đáp đền thì cha mẹ đã đi về một nơi rất xa,...😭
“Mùa Vu Lan” đến với bao điều ray rứt và hối tiếc. Có lẽ ở nơi xa đó cha mẹ đang dõi theo cuộc sống bộn bề đầy lo toan của anh chị em chúng tôi.
Dựa theo truyền thuyết lễ Vu Lan “thầm ước mong” được một lần như Bồ Tát Mục Kiền Liên dùng phép thần thông để nhìn thấy được cha mẹ đang ở cõi nào và đang làm gì!!!?
Lễ Vu Lan hay còn gọi là Vu Lan Báo Hiếu đã trở thành nét văn hoá, truyền thống của người Việt Nam luôn khắc sâu hạnh nguyện báo hiếu với cha mẹ, ông bà, tổ tiên,...
Nhắc đến Truyền thuyết lễ Vu Lan có lẽ ai cũng biết, tuy vậy hôm nay tôi chia sẻ câu chuyện để một lần nữa tưởng nhớ ơn sâu, nghĩa nặng, công dưỡng dục của đấng sinh thành.
Lễ Vu Lan được xuất phát từ lòng hiếu thảo của Bồ Tát Mục Kiền Liên đại hiếu cứu mẹ. Theo Kinh Vu Lan: Lúc bấy giờ Bồ Tát Mục Kiền Liên tu thành chánh quả, và một ngày kia Bồ Tát tưởng nhớ đến Mẹ, đã dùng phép thần thông và nhìn thấy mẹ sanh vào ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ rất khổ sở. Bồ Tát đã đem cơm xuống tận cõi quỷ dâng cho mẹ. Tuy vậy mẹ của Bồ Tát Mục Kiền Liên vẫn không thể nhận được.
Bồ Tát Mục Kiền Liên bất lực quay về hỏi Đức Phật. Ngài dạy rằng: “Dù thần thông quản đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ. Chỉ có cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương trời mới mong giải cứu được,... và ngày rằm tháng bảy thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó”.
Bồ Tát Mục Kiền Liên làm theo lời Đức Phật dạy và ngài đã giải thoát được cho mẹ. Phật dạy rằng chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha, mẹ cũng theo cách này mà làm. Từ đó lễ Vu Lan báo hiếu ra đời.
Ở Việt Nam ngày Vu Lan Báo Hiếu được tổ chức vào ngày 15 tháng 07 âm lịch. Đây là ngày lễ lớn của Phật Giáo để các phật tử tỏ lòng hiếu thảo với cha, mẹ.
Trong ngày lễ Vu Lan các phật tử thường có “một quy ước” những ai còn mẹ sẽ được cài hoa màu hồng lên áo. Ai đã mất mẹ thì sẽ cài hoa màu trắng.
Từ thửa nhỏ tôi đã rất thích bài hát BÔNG HỒNG CÀI ÁO của thiền sư Thích Nhất Hạnh viết vào năm 1962 đã được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phổ nhạc. Khi ấy tôi nghe và chỉ cảm thấy thích, lúc đó vẫn chưa cảm được, cho đến một ngày tháng 7 âm lịch “Khi ấy mẹ đã đi về một cõi nào đó” bất chợt nghe lại và cảm thấy rất nghẹn ngào.
Những ai đang được cài bông hồng vào ngày hôm nay cứ vui sướng và hạnh phúc đi. Hãy trân trọng từng phút, giây những gì mình đang có khi còn cha mẹ.