AN ỦI NGƯỜI KHÁC
Khi bạn bè, đồng nghiệp xung quanh cần sự an ủi của bạn, những lời nói của bạn liệu thực sự có tác dụng an ủi đối với họ, khiến lòng họ dịu lại? Khi an ủi người khác cần nói thế nào? Bạn hãy xem mình có biết cách an ủi người khác không nhé!
Muốn an ủi người khác, điều đầu tiên là có sự đồng cảm. Chỉ khi đặt mình vào vị trí của người khác để cảm nhận sự khó khăn và đau khổ của họ thì những lời an ủi mới trở nên chân thành, mới thực sự có tác dụng làm dịu nỗi đau trong lòng họ, mới đem lại sức mạnh cho họ, mới khiến họ có động lực tiếp tục phấn đấu.
Ví dụ: Khi bạn đến thăm một người đang nằm viện, sau khi hỏi thăm bệnh tình của đối phương, bạn chỉ nói được một câu chung chung như: “đừng lo lắng quá, bạn sẽ nhanh khỏi bệnh!”
Bạn nghĩ kiểu an ủi như vậy có tác dụng đến đâu? Nhất là khi tâm trạng của người bệnh vốn đã mệt mỏi, chán ngán vì phải biết bao nhiêu người đến thăm và phải lặp đi lặp lại “điệp khúc” kể về bệnh tình một cách bất đắc dĩ. Đối với người bệnh, có người đến thăm là điều đáng quý, nhưng những lời an ủi, động viên có tác dụng rất ít.
Sự đồng cảm không nhất định là phải đau khổ, mang tâm trạng nặng nề cùng đối phương, nhiều khi nói những câu hài hước hóm hỉnh lại có hiệu quả an ủi lớn hơn.
Chia sẻ một số cách an ủi người khác, bạn tham khảo thêm nhé! Mình nghĩ có thể sẽ hiệu quả.
Cảm thông nhưng đừng thương hại
Điều đầu tiên để an ủi người khác là sự cảm thông, vì thế khi người khác chia sẻ, thổ lộ với bạn một chuyện đau lòng, trước tiên hãy đặt mình vào vị trí của họ để hiểu và có sự cảm thông, để họ cảm nhận được rằng bạn hiểu họ, và cảm thấy có người tình nguyện ở bên cạnh họ, cùng họ trải qua những thời khắc gian nan, như vậy nỗi buồn của họ sẽ được vơi đi phần nào.
Tuy nhiên cảm thông cũng phải có mức độ, cảm thông thái quá sẽ biến thành thương hại. Khi bạn thể hiện thái độ não nề, buồn khổ, rất có thể đối phương sẽ thấy rằng mình quả là đáng thương, từ đó càng khiến cho tâm trạng thêm nặng nề, bi quan, kết quả là bạn đến an ủi người khác nhưng lại “đổ thêm dầu vào lửa.”
Những lời nói hóm hỉnh, hài hước cũng có sức an ủi rất lớn.
Khi an ủi người khác, không nhất định phải dùng những lời nói buồn bã mới có tác dụng, đôi khi pha trò bằng những câu nói vui nhẹ nhàng lại có thể khiến đối phương nhẹ lòng.
Ví dụ bạn đến thăm một người bệnh: Khi người bệnh đang bất lực vì phải nằm trên giường bệnh, không có việc gì làm, không được đi đâu thì bạn có thể đùa một câu như: “bạn là sướng nhất! Có cơ hội nghỉ ngơi vài hôm”, đôi khi tôi muốn nghỉ ngơi mà không được đấy! Thay vì nói những câu thăm hỏi an ủi thông thường như: “không sao đâu! Chắc chắn cậu sẽ khỏi thôi, sẽ được ra viện sớm thôi!” Nói đùa những câu như vậy không những có tác dụng hạ bớt mức độ nghiêm trọng, khiến người bệnh giảm bớt nỗi lo lắng mà còn giúp họ cảm thấy dễ chịu và tâm trạng có thể vui hơn.
An ủi sau khi đối phương thổ lộ hết nỗi lòng
Trong cuộc sống, ai cũng phải đối mặt với khó khăn và áp lực, tương ứng với điều đó thì cơ hội để chúng ta an ủi người khác cũng nhiều lên. Đối với người cần được an ủi, để họ giải tỏa hết nỗi bức xúc đè nén trong lòng cũng là một phương pháp hay.
Khi bắt gặp một người quen đang khóc lóc đầy đau khổ, việc khuyên họ đừng khóc là điều gần như không thể, lúc này bạn có thể vỗ nhẹ vào vai họ như để tiếp thêm sinh lực cho họ, sau đó ngồi bên cạnh họ, đợi họ khóc xong, bạn nói vài câu động viên, làm như vậy sẽ có hiệu quả hơn việc ra sức khuyên họ thôi khóc. Đôi khi im lặng lắng nghe và cảm thông, không cần nói gì, cũng có tác dụng rất lớn đối với họ.